The Blastic – Hành trình tạo ra cú nổ mới của nhựa

AD

The Ida C. & Morris Falk Foundation

Tại Việt Nam, sắn là một loại cây đã luôn sát cánh và hỗ trợ người dân địa phương vượt qua nhiều khó khăn trong lịch sử, từ “củ sắn cứu đói” những năm Ất Dậu cho tới “củ sắn công nghiệp” của thế kỷ 21. Ngày nay, sắn đóng vai trò là một loại cây công nghiệp có sản lượng lớn thứ ba cả nước, mang lại nhiều lợi ích to lớn về kinh tế – xã hội, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và hoạt động xuất khẩu.

Nhận thấy sản lượng dồi dào của loại cây lương thực này ở địa phương, “The Blastic” – nhóm các sinh viên của Đại học Bách Khoa TP.HCM đã khám phá một tiềm năng mới trong ứng dụng của sắn có thể giúp Việt Nam nội địa hóa khát vọng toàn cầu về một nền kinh tế tuần hoàn.

Trong bài viết này, ICM sẽ phỏng vấn “The Blastic”, một trong hai nhóm nhận tài trợ từ ICM trong khuôn khổ chương trình Bach Khoa Innovation. Bài viết chỉ ra các tiềm năng trong đối mới thượng nguồn, cùng với đó là các thách thức mà các nhà đối mới trẻ phải đối mặt. Qua đây, chúng tôi hy vọng rằng các đối tác có cùng sứ mệnh hoạt động sẽ hợp tác và cùng chúng tôi hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới thượng nguồn vì một nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam và trong khu vực.

Gặp gỡ nhóm The Blastic

Cuối năm 2020, nhóm The Blastic được thành lập để tìm lời giải đáp cho câu hỏi muôn thuở nhưng vẫn chưa được giải quyết: “Làm sao để đối phó được với ‘con quái vật’ mang tên rác thải nhựa vẫn luôn hiện hữu?

Trong quá trình học tập và nghiên cứu, năm sinh viên chuyên ngành Công nghệ Thực phẩm của nhóm The Blastic là Hương, Mai, Hân, Trung và Kiệt đã nhận ra tiềm năng to lớn từ “tinh bột sắn” để đáp ứng nhu cầu nhựa sinh học ngày càng lớn phục vụ cho quá trình phát triển bền vững của Việt Nam. Tới đầu năm 2021, cả nhóm đã quyết định mang ý tưởng này tham dự cuộc thi Bach Khoa Innovation nhằm hiện thực hóa những tiềm năng này.

Sản phẩm mà The Blastic tập trung phát triển trong cuộc thi Bach Khoa Innovation là gì? Và nó có gì khác biệt so với các sản phẩm hiện có trên thị trường?

Mục tiêu mà chúng mình hướng tới là tạo dựng một loại vật liệu phân hủy sinh học có tiềm năng thay thế loại nhựa truyền thống. Tuy lĩnh vực này đã được nghiên cứu và phát triển ở các quốc gia khác, nhưng tại Việt Nam sự phát triển của loại nhựa này bị hạn chế bởi nhiều yếu tố mà lớn nhất là giá thành của nguyên vật liệu. Hơn nữa, đa số các loại nhựa sinh học ở Việt Nam vẫn có trộn hạt nhựa truyền thống, nghĩa là chỉ thay thế một phần chứ không hoàn toàn từ vật liệu thân thiện với môi trường để giữ các tính chất cơ học. Những loại bao bì này được chứng minh là sẽ sinh ra hạt vi nhựa gây tổn hại đến sự sinh trưởng của cây còn gây ô nhiễm môi trường thậm chí hơn cả hạt nhựa truyền thống vì khó phân loại và tái chế.

Sản phẩm của chúng mình với nguyên liệu chính là tinh bột sắn với giá cả phải chăng và nguồn cung dồi dào tại nước ta, có khả năng phân hủy trong tự nhiên thành các khoáng chất dinh dưỡng cho đất và từ đó tạo nên một vòng tuần hoàn khép kín về vòng đời của sản phẩm nhựa góp phần giảm thiểu gánh nặng về rác thải cho môi trường sống.

Trong suốt quá trình đó, các thành viên đã có những khoảng khắc đáng nhớ nào?

Trong quá trình thực hiện dự án, mỗi thành viên đều có những vai trò cũng như trách nhiệm đối với mục tiêu mà nhóm đã đề ra. Dù là vai trò khác nhau với nhiệm vụ khác nhau nhưng khi chúng mình tham gia dự án với tư cách là một nhóm thì tụi mình luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau khi một thành viên gặp khó khăn. Chúng mình thay phiên nhau trực, cũng như thực hiện thử nghiệm mẫu ở phòng thí nghiệm. Sau nhiều thí nghiệm không thành, nhóm bắt đầu thay đổi sản phẩm dựa trên những tính chất của vật liệu hiện có, tận dụng điểm yếu và phát huy những điểm mạnh của vật liệu. Và rồi khi biết nhóm nhận được sự đầu tư từ phía ICM cho việc phát triển dự án để ngày một hoàn thiện hơn, tất cả thành viên lần đầu tiên cảm thấy những nỗ lực, công sức được công nhận mặc dù con đường phía trước của cuộc hành trình vẫn còn nhiều thử thách cho nhóm.

Sự hỗ trợ từ phía ICM đã giúp ích gì cho hoạt động của The Blastic?

Thường thì khi làm các dự án nghiên cứu thì chi phí để mua hóa chất, dụng cụ và gửi mẫu phân tích cũng là vấn đề nan giải cho các dự án của sinh viên như chúng mình. Cho nên, khi có quỹ hỗ trợ thì việc thí nghiệm cũng trở nên thuận lợi hơn. Hơn nữa, khi nhận tài trợ và phải báo cáo về tiến độ thường xuyên sẽ khiến nhóm có trách nhiệm và đầu tư công sức hơn cho dự án. 

Khi bắt đầu dự án, chúng em nghĩ chỉ đơn giản nghĩ là tham gia cuộc thi. Nhưng ICM đã thay đổi suy nghĩ của tụi em, khiến tụi em có trách nhiệm hơn với dự án của chính mình và kiên trì hơn với lựa chọn của bản thân.

Có thời điểm dự án trở nên khó khăn và tắc nghẽn do dịch bệnh và nhiều lý do khác, nhóm em cũng không ít lần cãi nhau, cảm thấy nản và muốn từ bỏ. Vào thời điểm đó, ICM đã dành cho tụi em nhiều động viên và lời khuyên hữu ích. ICM không chỉ là nhà tài trợ mà còn như là người đồng hành, là một thành viên trong nhóm của chúng em vậy. Chúng em thực sự cảm thấy may mắn vì được hợp tác cùng với ICM. 

Để hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam ngày càng phát triển, nhóm nghĩ các tổ chức và các trường đại học có thể làm gì?

Việc xin tài trợ nghiên cứu khoa học từ các tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ hay tổ chức bên ngoài trường đại học có lẽ còn khá ít ở Việt Nam. Nên mong là thông qua các cuộc thi nghiên cứu khoa học thì hình thức này có thể phổ biến hơn. 

Ngoài ra, sinh viên chúng mình ít được đào tạo về các kỹ năng tìm kiếm quỹ hỗ trợ, cũng như viết đơn xin tài trợ. Mong là các trường đại học có thể đào tạo sâu hơn về các kỹ năng này. 

Nhóm có lời nhắn nào muốn gửi đến các bạn trẻ có sáng kiến đổi mới và mong muốn hành động vì một tương lai bền vững?

Kiệt: Điều mình muốn nhắn nhủ đến các bạn là hãy tạo ra sản phẩm có giá trị trong xã hội, theo dõi xu hướng tiêu dùng mình có thể biết được nhu cầu khách hàng cần và từ đó tạo nên các sản phẩm vừa có giá trị sử dụng đối với người tiêu dùng vừa có giá trị về mặt kinh tế và có giá trị về sự bền vững trong việc bảo vệ môi trường mà các bạn hướng đến vì cuối cùng nếu sản phẩm tạo ra không thiết thực với đời sống thì cũng sẽ không có khách hàng sử dụng. Chúc các bạn nỗ lực và thành công với những dự án riêng của mình.

Trung: Hay tìm đến những cuộc thi về ý tưởng phát triển bền vững để cọ xát kiến thức và trao đổi thêm kinh nghiệm với những người cùng chí hướng với mình, qua đó hình thành những cộng đồng chuyên tìm giải pháp công nghệ cho một môi trường xanh, bền vững.

Hân: Mình nghĩ các bạn trẻ hiện nay nên dành sự quan tâm nhiều hơn cho xu hướng bền vững của thể giới và đóng góp một phần công sức của mình vào đó. Trước tiên các bạn nên trang bị những kiến thức, định nghĩa về bền vững cũng như những khía cạnh mà bạn thích thú và phù hợp rồi từ đó theo đuổi con đường mà bạn chọn.

Mai: Hãy luôn cố gắng vì mục tiêu lớn lao cuối cùng, đó là đưa sản phẩm từ nhựa sinh học thực sự ứng dụng được rộng rãi trong cuộc sống hằng ngày chứ không phải chỉ dừng lại trong phạm vi phòng thí nghiệm. Muốn thực tế mục tiêu đó, cần phải đầu tư tìm kiếm những nguồn nguyên liệu rẻ và dồi dào ở nước ta để có thể tạo ra sản phẩm có giá thành hợp lí và dễ sản xuất thương mại.

Hương: Cố gắng và kiên trì với đam mê của mình rồi bạn sẽ nhận được kết quả tương xứng. Cho dù thành công có đến muộn, thì mong bạn vẫn sẽ tận hưởng quá trình này. Vì những kiến thức, trải nghiệm và bài học góp nhặt được trên đoạn đường này thực sự rất quý giá. 

Cảm ơn cả nhóm đã tham gia phỏng vấn và chia sẻ câu chuyện của mình với ICM!


Về ICM Falk Foundation

ICM Falk Foundation là một quỹ phi lợi nhuận hướng tới triển khai các dự án tài trợ, hỗ trợ và kết nối các sáng kiến thượng nguồn nhằm giải quyết các vấn đề về ô nhiễm chất thải, hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam và khu vực ASEAN.

The Incubation Network
2022
Da Nang, Vietnam
theincubationnetwork.com

Contact us