Mở khóa tiềm năng của bao bì nhựa ăn được tại Việt Nam cùng “Edifilm”

AD

Ngoc Anh Hoang, Program Associate of the Ida C. & Morris Falk Foundation

Ô nhiễm rác thải nhựa là một thảm họa. Tuy nhiên, nếu chúng ta hoàn toàn loại bỏ việc sử dụng nhựa, hậu quả sẽ không chỉ đơn thuần là sự gián đoạn trong tăng trưởng kinh tế mà cơ hội để chúng ta xây dựng một tương lai chung bền vững cũng sẽ không còn. Ví dụ, nhựa đang đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng, từ đảm bảo nguồn cung thực phẩm và nước uống sạch cho đến sản xuất các thiết bị y tế. Không chỉ vậy, các sản phẩm nhựa dùng một lần còn giúp người khuyết tật có một cuộc sống độc lập hơn. Tựu chung lại, cho dù là ô nhiễm chất thải nhựa, hay xóa bỏ hoàn toàn nhựa, cuộc sống của chúng ta sẽ đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong khi các biện pháp giảm thiểu, tái sử dụng là chìa khóa giúp chúng ta hướng tới một tương lai bền vững hơn cho ngành nhựa, “đổi mới sáng tạo” cũng được công nhận là một yếu tố then chốt. Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã công bố rằng “nhựa sinh học” là sáng kiến công nghệ đột phá và quan trọng nhất vào năm 2019 bởi nó giúp giảm bớt các gánh nặng về ô nhiễm chất thải nhựa, đồng thời góp phần xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn cho chất liệu nhựa, trong đó nhựa có nguồn gốc sinh khối sẽ phân hủy trở lại thành sinh khối sau quá trình sử dụng.

Nhựa sinh học” là một giải pháp thay thế, đồng thời cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại mối quan hệ hữu cơ với “nhựa”, để thay đổi và trở nên tốt hơn.

Là một tổ chức phi lợi nhuận, ICM Falk Foundation hiện đang tích cực thúc đẩy tư duy tuần hoàn và đổi mới thượng nguồn thông qua các hoạt động tài trợ, hỗ trợ tại Việt Nam và trong khuôn khổ các quốc gia ASEAN. Hiện tại, chúng tôi đang vinh dự hợp tác cùng Bach Khoa Innovation để hỗ trợ các sinh viên Việt Nam phát triển những dự án nhựa sinh học tại địa phương.

Trong bài viết này, ICM sẽ phỏng vấn “Edifilm”, một trong hai nhóm nhận tài trợ từ ICM trong khuôn khổ chương trình Bach Khoa Innovation. Bài viết sẽ chỉ ra các cơ tiềm năng trong đối mới thượng nguồn, cùng với đó là các thách thức mà các nhà đối mới trẻ phải đối mặt. Qua đây, chúng tôi hy vọng rằng các đối tác có cùng mục tiêu hoạt động sẽ hợp tác và cùng chúng tôi hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới thượng nguồn vì một nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam và trong khu vực.

Điểm bắt đầu của một hành trình đổi mới

“Tại sao chỉ một gói phở, hay túi bánh mà họ lại phải dùng nhiều bọc nhựa đến đến thế?”

Bức bối trước thực trạng ô nhiễm bao bì nhựa tại địa phương, một nhóm sinh viên đã quyết định hành động để thay đổi hiện trạng này bằng cách hợp nhất tại Bach Khoa Innovation – một cuộc thi địa phương để phát triển một loại nhựa mới vừa bền vững, vừa tiện lợi hơn cho bao bì thực phẩm. Và đó là điểm bắt đầu của các nhóm các nhà đổi mới trẻ mang tên “Edifilm”.

Edifilm là nhóm 5 sinh viên: Mạc Vi, Nguyễn An, Nguyễn Quỳnh, Phạm Tường và Nguyễn Tú đang theo tại trường Đại học Bách Khoa TP. HCM. Cùng nền tảng là sinh viên ngành Công nghệ Thực phẩm, những nhà đổi mới trẻ tuổi này đã tìm ra cách để giảm thiểu rác thải bao bì trong đời sống hàng ngày của chúng ta với “Edible Films” – màng bọc có thể ăn được.

Khi một ý tưởng sáng tạo được hỗ trợ bởi những nỗ lực hợp tác 

“Lúc đầu chúng mình chỉ nghĩ qua được vòng 2 là vui rồi và giờ chúng mình đang chuẩn bị bước vào vòng chung kết.”

Bach Khoa Innovation là một hành trình học hỏi vô cùng ý nghĩa và thiết thực đối với Edifilm khi cả nhóm có cơ hội được tham gia nhiều buổi tập huấn chuyên sâu và liên tục nhận được nhiều lời khuyên từ thầy cô, chuyên gia để tiếp tục thử nghiệm và cải tiến mẫu vật đầu tiên của mình. Với riêng ICM, chúng tôi rất vui khi được tham gia và cùng hỗ trợ dự án này phát triển. “Nhờ có sự hỗ trợ từ ICM, chúng tôi có thêm quỹ để mua nguyên vật liệu nghiên cứu, chế tạo sản phẩm mẫu thử nghiệm đồng thời thực hiện một cuộc khảo sát thị trường. Nhờ đó, chúng tôi đã phát hiện ra rằng vật liệu nhựa sinh học của nhóm không chỉ phù hợp với riêng mì ăn liền mà còn có rất nhiều các ứng dụng tiềm năng khác!”

Sự hợp tác giữa Bach Khoa Innovation và ICM, cùng với sự hỗ trợ chung từ người tiêu dùng Việt Nam, đã góp phần giúp Edifilm nhận ra tiềm năng to lớn mà nhóm có để mang lại những thay đổi thực sự có ý nghĩa cho môi trường và xã hội. Trước thời điểm chung kết Bach Khoa Innovation, cả nhóm đã sẵn sàng và tự tin mang nguyên mẫu đầu tiên để giới thiệu với công chúng. Tuy nhiên, thật không may khi đêm chung kết đã bị hoãn tới hơn 3 tháng nay do giãn cách xã hội kéo dài. “Cứ ngỡ thế là dự án cũng bị treo giò theo nhưng nhờ ICM đã giới thiệu và mong muốn chúng mình tham gia vào chương trình ươm tạo C-Plastics incubator 2021, dự án đã được phát triển theo hướng chúng mình chưa bao giờ ngờ tới được. Chúng mình đón nhận được rất nhiều sự quan tâm của những người dùng yêu môi trường, chúng mình nhận được những đơn đặt hàng đầu tiên (thậm chí có cả doanh nghiệp) và còn nhận được nhiều lời mời phỏng vấn. Điều này làm chúng mình rất vui và bất ngờ.”

Màng bọc ăn được Edifilm: một giải pháp bao bì thay thế vừa có nguồn gốc sinh học, vừa có khả năng phân hủy sinh học

Màng ăn được Edifilm làm từ một vật liệu nhựa sinh học vừa có khả năng phân hủy sinh học trong tự nhiên, vừa an toàn để chúng ta hấp thu bởi tất cả các thành phần của nó đều vô hại đối với sức khỏe của con người và môi trường. Ứng dụng ban đầu của vật liệu này là cho các lớp vỏ bọc bên trong của gói mì ăn liền, cho phép người tiêu dùng có thể nấu và ăn cùng lúc cả bao bì mà không cần xé bỏ.

Hiện tại, nhóm Edifilm đang tích cực nghiên cứu, thử nghiệm về các tính năng của sản phẩm qua chương trình Ươm tạo C-Plastics để tạo ra những sản phẩm bền vững có tính khoa học.

Thu hẹp khoảng cách đổi mới để Việt hóa mô hình kinh tế tuần hoàn 

Trên thế giới, loại bao bì cải tiến này đã được nghiên cứu và ứng dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng với Việt Nam, đây vẫn là một khái niệm rất mới. Bởi vậy, tiềm năng để khai thác các giá trị mới về môi trường và kinh tế từ bao bì ăn được ở Việt Nam là rất lớn. Bằng việc phát triển vật liệu nhựa ăn được này từ tinh bột sắn, nhóm các nhà đổi mới trẻ từ Đại học Bách Khoa đã mở ra những cơ hội để tuần hoàn hóa nền kinh tế ở chính địa phương của mình.

“Nhóm Edifilm mong muốn mang màng bọc này đến với mọi căn bếp – nơi mà bất cứ ai cũng đều thấy và sử dụng chúng mỗi ngày.” Các thành viên nhóm Edifilm chia sẻ một cách đầy tự tin về mục tiêu dài hạn cho sản phẩm của mình. Với một niềm hy vọng lớn, ICM rất vinh dự đê tiếp tục hỗ trợ các nhà đổi mới trẻ tuổi này trên hành trình hướng tới sự bền vững và tuần hoàn ở địa phương mình.

“Việt hóa” một khát vọng của thế giới chắc chắn không thể đạt được nhờ một nỗ lực cá nhân. Thực tế cho thấy, chúng ta cần phải hợp tác với nhau chặt chẽ cùng một tinh thần tập thể gắn kết. Vậy, làm sao để tất cả chúng ta cùng hợp tác để nuôi dưỡng hệ sinh thái đổi mới thượng nguồn tại Việt Nam để thúc đẩy quá trình tuần hoàn hóa nền kinh tế?

Lời nhắn từ nhóm Edifilm…

…tới các tổ chức có mong muốn hỗ trợ, thúc đẩy tuần hoàn tại Việt Nam

“Thế hệ trẻ ngày nay rất năng động trong việc tham gia và xây dựng các dự án cộng đồng, dự án xanh vì mục tiêu phát triển bền vững. Các cuộc thi sáng tạo, đổi mới được thực hiện trải dài trên toàn quốc với nhiều quy mô: cấp trường, cấp thành hay cấp quốc gia và nhận được sự hưởng ứng từ đông đảo các bạn sinh viên và học sinh. Tuy nhiên, nhiều dự án tiềm năng chỉ dừng ở mức thuyết trình, giới thiệu mà không thể hiện thực hóa và phát triển thêm được nữa vì các bạn còn thiếu nhiều kinh nghiệm, không có người hướng dẫn để phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường. Nhóm hy vọng các tổ chức quỹ cộng đồng có thể tham gia và hỗ trợ để xây dựng được những chương trình phù hợp, tạo điều kiện cho các sản phẩm bền vững tiềm năng sớm được có mặt trên thị trường.”

…tới các bạn trẻ cùng chung đam mê với đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững

“Lời khuyên của chúng mình cho những bạn trẻ yêu môi trường và mong muốn theo đuổi con đường như Edifilm đó là đừng để những ý nghĩ “lỡ như…?” cản bước bạn hành động. Lỡ như không ai đón nhận sản phẩm của mình? Đây có lẽ là điều mà các bạn phát triển những sản phẩm bảo vệ môi trường lo ngại nhất vì hiện nay dù vấn đề này đã được mọi người quan tâm hơn, nhưng khó để thay đổi được thói quen cũ của họ. Nhưng các bạn đừng vì thế mà không thực hiện bởi vì nếu không có những thay đổi nhỏ, không có những người như các bạn thì làm sao tạo nên sự thay đổi lớn. Việc chúng mình làm có thể không quá lớn lao nhưng sẽ góp phần làm cho việc bảo vệ môi trường trở nên phổ biến, dần dà sẽ thay đổi được suy nghĩ và thói quen của mọi người.”

The Incubation Network
2022
Da Nang, Vietnam
theincubationnetwork.com

Contact us